Trung tâm Rau Tự Nhiên xin giới thiệu quý bằng hữu bài viết về Rau Mồng Tơi Tự nhiên. Vì tính thích nghi nên họ Mồng Tơi phân bố khá rộng rãi từ Châu Á, Châu Nam Mỹ, Châu Phi và có cả Châu Âu. Ở Việt Nam, rau Mồng Tơi mọc hoang khắp các bờ rào, ven đường, ven rừng...và hiện nay thì đa số được trồng kiểu công nghiệp trong các vườn rau. Là cây rau phổ biến và gần gũi với người dân Việt nên cũng trở thành một trong những cảm hứng để các nhà thơ viết lên những tình cảm, nỗi lòng của mình chẳng hạn như bài " Giậu Mồng Tơi" của nhà thơ Nguyễn Hiền, "Vườn quê" của tác giả Nguyễn Khắc Thiện, hay "Câu ru con ngủ đã thành ca dao" của nhà thơ Lưu Vĩnh Hạ,...và hàng chục bài khác nữa. Trong những bài thơ ấy, TT. Rau Tự Nhiên chỉ xin trích một bài thơ đã được phổ nhạc và nghĩ rằng quý bằng hữu đã từng được nghe qua hoặc hát qua. Khi đọc Bài thơ "Bài học đầu cho con" của nhà thơ Đỗ Trung Quân (lần đầu đăng năm 1986), hay hát bài "Quê hương" - bài thơ đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thì "giậu Mồng Tơi" cùng với "chùm Khế", "vàng hoa Bí", "hoa Dâm Bụt", "hoa Sen"... đã góp phần vẽ nên bức tranh giản dị, bình yên, mang đậm hình ảnh của vùng quê Việt Nam. Bài thơ như sau:
"Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

....

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ..."

Ai cũng mong muốn một cuộc sống an lành, vui vẻ, ít nghi ngờ, lo lắng; nhưng nếu vì mưu sinh, hoàn cảnh đưa đẩy khiến cho bao người lạc mất cái nôi của mình, hay quên nguồn gốc của mình thì TT. Rau Tự nhiên cũng chỉ có thể cùng quý bằng hữu ôn lại một chút thôi. 

"Giậu Mồng Tơi" tự nhiên thường sống khoảng 1-2 năm, nhiều gia đình thường lặt/ nhặt (hái) quả chín, tím đen (sậm màu) làm màu thực phẩm, phơi khô để làm giống. Thân cây mọng nước, có màu xanh hoặc tím nhạt. Mồng tơi là cây dây leo nên thường nếu không tìm thấy xung quanh nó nơi lý tưởng để có thể leo, bám thì sẽ có xu hướng bò ngang trên mặt đất để tìm ở những nơi xa hơn. Lá hình trái tim, đôi khi hình tròn tròn, dày, mọng nước nên khi hái lá một thời gian mà chưa dùng ngay thì nên để trong mát, tránh ánh nắng trực tiếp hay gió, lấy khăn ướt hoặc giấy báo phủ lên. Nếu cần thì chỉ cần phun cho lá một ít nước, lá sẽ "tươi" nhanh. Mặc dù lá dày, cứng cáp nhưng rất dễ bị dập cơ học nên khi bảo quản tránh để lá bị dập, dễ gây ra hư hoại lan sang lá khác. Mồng Tơi là cây khỏe, chứa nhiều nước nên có thể bảo quản trong tủ mát (có độ ẩm) từ 4-5 ngày như TT. Rau Tự nhiên cũng khuyên bằng hữu nên ăn rau trong vòng 1-2 ngày sau khi thu  hoạch nhằm đảm bảo đạt được dưỡng chất tốt nhất. 

Cây rau Mồng Tơi cũng như rau Dền, người dân họ thường thu hoạch tự nhiên lá hoặc thân non (gần ngọn) để ăn hoặc bán. Nếu quý bằng hữu ra chợ thấy rau Mồng tơi được nhổ cả gốc hoặc cắt bỏ gốc thì cách thu hoạch đó mang tính công nghiệp, không phải là cách thu hoạch mà TT. Rau Tư nhiên khuyến khích. Khi ăn, vị rau hơi chua, mát (tính hàn), có chất nhớt, sau khi ăn xong thường có cảm giác dính dính răng như có mảng bám. 

Theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố về bảng dinh dưỡng của rau Mồng Tơi (Basella Spinach) thì trong 100 gram lá Mồng Tơi chứa rất thấp calo (19 kalo) và chất béo (0.30 g) nên các bằng hữu nào sợ béo (mập) hay đang giữ dáng thì không ngại hay đắn đo để chọn rau Mồng Tơi nấu ăn. thêm vào đó, Mồng tơi còn chứa khá nhiều tiền chất vitamin A chống oxy hóa như ß-carotene, lutein, zeaxanthin. Vitamin C (102 mg), sắt (1.02 mg), folic (folate - là dạng vitamin B9) (140 µg) cũng được tìm thấy khá cao trong 100 gram rau. Ngoài ra còn có Kaili (potassium), Mangan (manganese), canxi (calcium), magie (magnesium), đồng (copper)... Ở đây, TT. Rau Tự Nhiên không đề cập đến những tỉ lệ những thành phần dinh dưỡng trên được khuyên dùng mỗi ngày như những báo khoa học hay công bố vì tỉ lệ đó không chính xác cho từng thể trạng, thể chất, môi trường sống, môi trường làm việc và nhu cầu của từng người. 

Rau Mồng Tơi được đánh giá cao đối với hỗ trợ về mắt, da, nhuận trường, dễ đẻ và chữa một số bệnh như táo bón, kiết lị, đái dắt, thiếu máu, sắt, loãng xương, tim mạch, ung thư ruột kết, ung thư phổi, ung thư vòm họng... (Quý bằng hữu có thể tham khảo thêm công dụng của rau Mồng Tơi trên các website). Bên cạnh những điểm tốt của rau Mồng Tơi, nếu lạm dụng quá thì cũng sẽ thành hại như ăn nhiều thì có thể dẫn đến tiêu chảy, tiểu nhiều, những người có bị sỏi thận thì hạn chế ăn rau Mồng Tơi vì trong rau có chứa chất axit oxalic (oxalic acid) liên kết với sắt và canxi gây khó tiêu và làm một trong những nguyên nhân gây nguy cơ bệnh sỏi thận hay sỏi trong đường tiết niệu. 

Chế biến rau Mồng tơi thường được biết đến luộc và nấu canh, gần đây thì có thêm nấu lẩu nhưng có thể bạn chưa để ý đến Mồng Tơi còn có thể xào  (tùy điều kiện và sở thích mỗi cá nhân, Mồng Tơi xào có thể kèm thịt bò hoặc ăn chay thì xào với nấm hoặc đậu hủ chiên hoặc xào chung với các rau khác). Mồng Tơi xào có vị thơm, bùi bùi phù hợp với những người thích vị hơi béo. Canh Mồng Tơi có thể kết hợp với những rau khác như rau Dền, rau Đay, rau Lang, rau Sam, rau Đắng, rau Má, rau Ngót, rau Càng Cua, quả Mướp...người dân ta thường gọi là rau Tập Tàng.  Tuy nhiên, nếu chỉ tìm được 3-4 loại rau vẫn không làm giảm đi vị ngon, ngọt, mát của tô canh hay niềm vui được quây quần với người thân trong bữa ăn gia đình. 

Bài sau
« Prev Post
Bài sau
Next Post »

BẠN NHẬN XÉT

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.