Tui – Người viết bài viết này, với sức khỏe sinh ra vốn èo uột, gặp phải lúc mà nhìn đâu cũng thấy thực phẩm thuốc, thật – giả lẫn lộn, ăn gì cũng khiến Tui ôm bụng cả tháng trời, Tui đã quyết định tự trồng rau nhằm cung cấp thực phẩm an toàn cho mình và cộng đồng, đồng thời cũng kiếm được thêm được thu nhập chút đỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian sống chết với cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT), Tui nhận thấy rằng người quan tâm đến rau sạch rất ít, rau sạch thật sự cũng rất ít, mà ngay cả có cung cấp rau sạch thật sự thì người mua cũng rất ít và sự cạnh tranh với những rau không sạch cũng rất chua cay. Loay hoay với rau chừng hơn một năm, Tui đã phá sản, nhiệt huyết làm rau cũng giảm, ước mơ làm cầu nối cung cấp thực phẩm sạch cũng tan tành theo mây khói cùng với số tổng tiền dành dụm đến năm 35 tuổi hơn 300 triệu đồng (Ôi! Những cắc củm, chắt chiu của Tui) , thì tình cờ một lần đi giúp một người bạn đến “thẩm định” mặt hàng “Thật dưỡng” ở quán Bún Gạo lức, Tui bị cuốn hút bởi các sản phẩm có thể ăn được và không gây hại cho cái bụng “không tốt” của Tui – chuyện thì còn dài, và không mấy lịch sự, nếu không nói là “...” nhưng trong bài viết này xin không “kể lể”. Để rồi từ đó Tui cũng có thêm góc nhìn khác về cái gọi là “Rau Sạch, Rau An toàn”... 

Là người Việt Nam, ai cũng biết rau là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của tất cả mọi người – nó vừa là thực phẩm, vừa là thuốc, vừa là “cây chổi” dọn dẹp những rác rưởi tích tụ lâu ngày trong người. Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra chất lượng của rau vẫn còn bỏ ngỏ khiến cho mọi người luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ nguồn gốc của các loại rau. Nhưng nếu không ăn rau thì mọi người sẽ ăn gì khi chưa có một loại thực phẩm thay thế tối ưu nào vừa ngon, vừa rẻ, vừa dễ kiếm như rau? Khi bước chân vào siêu thị, các cửa hàng rau, mọi người, nhất là chị em phụ nữ, các bà nội trợ thường thấy dòng chữ "Khu vực kinh doanh các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap” ở siêu thị Coop Mart hoặc sẽ thấy logo VietGap dán trên sản phẩm … 

Vậy rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGap/ Global Gap là gì, rau đủ vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Rau an toàn là gì? 

Rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGap hay Global Gap cũng đều là rau an toàn, chỉ có khác với những rau an toàn khác ở tờ giấy chứng nhận bởi các bên độc lập thứ 3 đứng ra cấp, ví dụ như ở tại Thành phố Hồ Chí Minh có các trung tâm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3), Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, Công ty Cổ phần Chứng nhận Globalcert, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Chuyển dịch Cơ cấu Kinh tế Nông nghiệp… Về rau được cấp giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm thường sẽ do Bộ y tế tại địa phương cấp. Khi các cơ sở sản xuất rau có được trong tay những chứng nhận này thì họ đã được xem như danh chính ngôn thuận được người dân tin dung, tuy nhiên rau có đủ để được xem là rau an toàn thật sự hay chưa thì cần phải xem xét thêm. 

Trong bài viết này, Tui xin phác thảo vài nét về rau an toàn hay còn gọi là RAT, một trong những loại rau phổ biến trên thị trường rau hiện nay. Có rất nhiều thuật ngữ định nghĩa về rau an toàn nhưng Tui xin đưa ra định nghĩa dễ hiểu, dễ nhớ về Rau an toàn của Sở NN và PTNT Vĩnh Phúc như sau: RAT là rau được sản xuất với quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn, sản phẩm đến người tiêu dùng không gây độc hại. Rau an toàn được đánh giá bởi 4 tiêu chí: 
          • An toàn về dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật - BVTV (nghĩa là dư lượng thuốc BVTV thấp hơn mức cho phép) 
             • An toàn về hàm lượng nitơrat (NO3). 
             • An toàn về kim loại nặng. 
             • An toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người. 

Tùy theo loại rau trồng mà tiêu chuẩn về 4 tiêu chí này sẽ khác nhau và nó được quy định trong Phụ lục 1, 2, 3, theo Quyết định số 106/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ban hành Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (http://vanban.chinhphu.vn/…/…/portal/chinhphu/hethongvanban…). Ví dụ như trên rau: hàm lượng chì phải nhỏ hơn 1.0 mg/kg, hàm lượng vi khuẩn Escherichia coli phải nhỏ hơn 10 CFU (đơn vị lạc khuẩn)/ gram, hàm lượng Coliforms phải nhỏ hơn 100 CFU/gram…

Với những tiêu chí trên, làm thế nào người tiêu dùng có thể đánh giá được các cơ sở sản xuất? 

Người dân đành phải “gửi trọn niềm tin” đối với các nhà phân phối, các nhà bán lẻ hoặc người bán. Tuy nhiên, nếu những người tiêu dung nào muốn tìm hiểu tường tận về nguồn rau mình sử dụng, họ có thể khảo sát tại cơ sở sản xuất với những tiêu chí sau: 
      1. Không trồng rau trên vùng đất ô nhiễm 
      2. Không dùng phân tươi, nước giải (nước tiểu) tưới cho rau. 
      3. Không dùng nước bẩn tưới cho rau: Nước thải từ nguồn gây ô nhiễm 
      4. Không dùng thuốc BVTV độ độc cao, thuốc cấm, thuốc hạn chế sử dụng. 
      5. Không dùng quá nhiều phân đạm bón cho rau. 
      6. Không dùng phân đạm trong vòng 10-15 ngày trước khi thu hoạch. 
      7. Đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc BVTV. 

Khi Tui đưa ra thông tin về 6 KHÔNG, 1 ĐẢM BẢO này thì người tiêu dung vẫn sẽ hoang mang làm thế nào họ biết được đất ô nhiễm? Làm thế nào biết được họ không sử dụng phân chưa hoai và nước giải? Làm thế nào biết được thuốc BVTV cơ sở đang dùng là không nằm trong danh sách thuốc cấm, thuốc hạn chế sử dụng? Làm thế nào biết được tỉ lệ pha thuốc của cơ sở? Làm thế nào để biết được rau không bị dư đạm dư thuốc và được cách ly đủ ngày? 

Có một lần Tui đã chứng kiến một cơ sở A làm chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, khi người của Bộ Y tế xuống cơ sở thì người nông dân vôi đem những thuốc BVTV nằm trong Danh sách thuốc cấm giấu xuống gầm giường. Vậy đó, cơ sở vẫn được cấp giấy chứng nhận, vẫn đủ tiêu chuẩn để mang rau ra thị trường, người tiêu dùng vẫn tin tưởng và sử dụng. 
Lại một lần khác, Tui lại được biết đến câu chuyện một cơ sở sản xuất rau X, chuyên cung cấp rau an toàn cho khu vực Thành phô Hồ Chí Minh. Sau khi làm việc xong, người lao động ở cơ sở X sửa soạn buổi ăn chiều. Mọi người quay quần vui vẻ bên mâm cơm với những món ăn từ rau được trồng tại cơ sở. Anh phụ trách công việc xịt thuốc cho rau vẫn chưa xong việc nên vô ăn sau. Mọi người rôm rả nói chuyện thì anh bước vô, thấy trên bàn có loại rau anh mới xịt thuốc lúc chiều, anh đã kêu mọi người ngừng ăn thì mọi người mới ngã ngửa vì ai cũng đã ăn “ít ít” rồi. Lúc đó, người tại cơ sở đã báo cho người quản lý biết rau được đóng gói chiều nay vừa mới xịt thuốc. Trong khi ấy, toàn bộ rau họ đã vận chuyển lên thành phố và chuẩn bị giao cho người tiêu dùng. Rất nhanh chóng, người quản lý đã thu hồi toàn bộ, số rau ấy đã được hủy ngay trong đêm hôm ấy và cơ sở sản xuất đã quyết định chịu lỗ chứ không bán ra thị trường. Thở phào nhẹ nhõm, cơ sở sản xuất ấy tuy làm việc có sai sót nhưng vẫn được xem là làm việc có trách nhiệm. 

Theo Trung tâm thông tin nghiên cứu và phát triển (IRC) thì “VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất”. Rau VietGap và Global Gap cũng là rau an toàn và tương tự về các tiêu chí, các yêu cầu đối với cơ sở sản xuất nhưng nó sẽ đòi hỏi cao hơn cả về quy trình từ khâu chọn giống, trồng trọt, thu hoạch và cho đến việc truy tìm nguồn gốc. Ngoài ra nó còn đề cập đến việc ghi chép, môi trường làm việc của người lao động, môi trường xã hội… 

Các bạn sẽ tìm hiểu sâu hơn ở nhưng bài viết tổng hợp sau. Tuy nhiên Tui vẫn nhấn mạnh một lần nữa ở đây, người tiêu dùng vẫn chỉ có thể đặt niềm tin vào dòng chữ "Khu vực kinh doanh các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap” mà không thể biết hết câu chuyện thật sự đằng sau bó rau. Với những khái niệm cơ bản về rau an toàn, Tui tin chắc các bạn sẽ có một dấu ấn trong lòng về nó trước khi cầm bó rau bỏ vào giỏ. Nhằm tích cực hơn nữa để bảo vệ chính mình cũng như người thân trong gia đình. Khi cần tìm hiểu về “tác hại của thuốc bảo vệ thực vật” bạn chỉ cần gõ cụm từ trên lên trang tìm kiếm của Google hay các trang khác,.. thì có nhiều nhiều thông tin, tuy nhiên, với góc độ khác Tui xin mời các bạn tiếp tục theo dõi bài viết kế tiếp: “Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cái gọi là An Toàn”. Sẽ không có ai có thể giúp đỡ và bảo vệ bạn tốt bằng chính bản thân mình. Mặc dù rau sạch, rau an toàn vẫn còn đang rất manh mún nhưng Tui nghĩ một đám cháy to cũng có thể bắt đầu từ tàn lửa nhỏ, sẽ còn có rất nhiều người, những người quan tâm đến sức khỏe của mình và cộng đồng, muốn tìm hiểu và muốn được sử dụng những thực phẩm sạch cho cơ thể mình. 

THÙY LINH

Bài sau
« Prev Post
Bài sau
Next Post »

BẠN NHẬN XÉT

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.